Giám sát thu giá BOT trực tuyến gặp khó vì kinh phí

6

Trạm thu giá BOT 1 dừng trên Quốc lộ 5 cũ - Ảnh: Tạ Tôn

Hệ thống giám sát trực tuyến thu giá BOT được Tổng cục Đường bộ VN khởi động từ tháng 5/2017. Dù được đánh giá mang lại nhiều lợi ích trong chống thất thoát doanh thu nhưng đến nay hệ thống vẫn chưa xác định được cách thức đầu tư do gặp khó về nguồn vốn.  

Cần một hệ thống độc lập

Nhằm hạn chế tiêu cực thu phí đường bộ, Tổng cục Đường bộ VN đã báo cáo Bộ GTVT xin đầu tư xây dựng hệ thống quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ độc lập để có cơ sở dữ liệu đối chiếu, hậu kiểm nhà đầu tư, giám sát, kiểm tra tính xác thực doanh thu BOT.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, cả nước hiện có 56 trạm thu giá BOT. Qua kiểm tra, giám sát trực tiếp 10 ngày tại một số trạm cho thấy, quy trình vận hành và hoạt động của trạm còn nhiều tồn tại, ảnh hưởng đến sự chính xác của báo cáo doanh thu như: sai lệch lưu lượng xe, loại xe, mệnh giá vé, xoay vòng vé. Thậm chí, dữ liệu báo cáo thu giá có thể bị can thiệp bởi con người và phần mềm.

"Hệ thống giám sát giúp nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giám sát thu giá hợp đồng BOT. Đồng thời, nâng cao ý thức chấp hành quy định của các chủ đầu tư BOT trong nộp báo cáo định kỳ và đột xuất về giao thông, lưu lượng xe, doanh thu thu giá, các thông số đầu vào liên quan đến phương án tài chính dự án và các nội dung liên quan đến quản lý, bảo trì công trình dự án theo quy định của pháp luật”.

Ông Nguyễn Văn Huyện
Tổng cục trưởng
Tổng cục Đường bộ VN

“Cơ quan quản lý chưa có cơ sở đối chiếu xác minh báo cáo doanh thu của nhà đầu tư, hình thức xác minh đối chiếu duy nhất hiện nay là kiểm tra, giám sát trực tiếp và kiểm tra hệ thống ghi hình camera tại trạm”, ông Toàn nói và cho biết: Theo quy định, các video giám sát cabin và giám sát toàn cảnh phải được lưu trữ 1 năm, video giám sát làn lưu trữ 5 năm. Tuy nhiên, các cấp có thẩm quyền không đủ nhân lực thanh, kiểm tra do số lượng trạm lớn. Do đó, cần có một hệ thống xử lý dữ liệu tự động độc lập giám sát, khai thác dữ liệu để kiểm soát chặt thời gian hoàn vốn của dự án, minh bạch hóa doanh thu, chi phí.

Khẳng định cần thiết phải đầu tư hệ thống giám sát thu giá BOT, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, công nghệ thu phí 1 dừng thủ công hiện nay không đảm bảo tính minh bạch, thất thoát ngay từ khâu nhân viên xé vé, quay vòng vé... Thậm chí, có ý kiến còn nghi ngờ nhà đầu tư thu nhiều nhưng khai ít để đảm bảo được thu theo phương án tài chính đã được phê duyệt. “Phải áp dụng khoa học – kỹ thuật trong quản lý thu giá BOT để ngăn chặn hành vi gian dối doanh thu ngay từ khâu đầu tiên, biết ngay được tình hình thu phí của một trạm nào đó và điều chỉnh ngay những bất cập. Khi có hệ thống này, nhà đầu tư không thể giấu được doanh thu, trên cơ sở đó điều chỉnh chính sách, thời gian thu phí hoàn vốn dự án theo doanh thu thực, người dân khi đó không còn cảm thấy bị nhà đầu tư BOT lợi dụng”, ông Thanh khẳng định.

Rào cản kinh phí

Được biết, hiện có nhiều phương án đầu xây dựng hệ thống giám sát thu giá BOT. Phương án 1 là chỉ đầu tư hạ tầng công nghệ tại Tổng cục và xây dựng phần mềm kết nối với hệ thống giám sát, dữ liệu của nhà đầu tư, với kinh phí đầu tư trên 40 tỷ đồng. Phương án 2 được đưa ra theo hướng thuê công nghệ thông tin, chỉ đầu tư hệ thống màn hình và xây dựng phần mềm kết nối với dữ liệu được nhà đầu tư dự án BOT truyền về Tổng cục; kinh phí khoảng 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, cả hai phương án này đều có hạn chế là nếu để nhà đầu tư tự truyền thì khả năng chỉnh sửa dữ liệu vẫn xảy ra.

Thực tế, để tránh tình trạng can thiệp vào dữ liệu, cần tính tới phương án cơ quan quản lý nhà nước đầu tư hệ thống camera và đường truyền độc lập với hệ thống của nhà đầu tư tại trạm. Tuy nhiên, phương án này đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư rất lớn lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đổi lại, cơ sở dữ liệu liên quan đến công tác thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ như lưu lượng, chủng loại xe, mệnh giá, thời gian xe qua, loại vé và số serie... sẽ được truyền từ các trạm thu giá BOT về trung tâm giám sát để giám sát, quản lý công tác thu phí. Hệ thống tự động thu thập và kiểm chứng dữ liệu từ các trạm, giảm thiểu tối đa quá trình hậu kiểm cả về thời gian và nhân lực.

Hệ thống cũng có khả năng tương thích với các công nghệ thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ khác nhau bao gồm công nghệ thu giá một dừng (MTC) và công nghệ thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ không dừng (ETC). Dữ liệu từ hệ thống thu phí ETC tại 28 trạm thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên cũng sẽ được kết nối vào hệ thống”, ông Toàn cho biết thêm.

Trước  lo ngại chỉ có dữ liệu của 2 làn thu phí không dừng mỗi bên được kết nối, các làn còn lại vẫn duy trì thu phí 1 dừng sẽ không kiểm soát được, ông Toàn thừa nhận, hầu hết các trạm thu giá BOT đang áp dụng công nghệ thu giá thủ công MTC.

Theo ông Toàn, từ trước đến nay dữ liệu thu giá 1 dừng vẫn được lưu giữ tại các trạm thu giá BOT theo quy định nhưng dữ liệu này không được truyền về Tổng cục. Dữ liệu hoàn toàn do nhà đầu tư quản lý nên có thể khó tránh khỏi chỉnh sửa dữ liệu. Khi cơ quan quản lý nhà nước muốn kiểm tra, giám sát phải xuống tận trạm và việc này cũng chỉ mang tính định kỳ, hay đột xuất. Việc cơ quan quản lý lắp thêm hệ thống camera, truyền dữ liệu về trung tâm, lưu trữ độc lập để giám sát sẽ tránh được nhà đầu tư BOT chỉnh sửa dữ liệu.

  • Liên kết hội viên