Người dân bức xúc vừa phải đóng phí bảo trì đường bộ, vừa đóng phí BOT

Người dân bức xúc

Báo cáo cho hay, năm 2016, tổng nguồn thu của Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương là hơn 10.200 tỷ đồng.

Số tiền thu được chủ yếu từ nguồn thu của chủ phương tiện ô tô thu thông qua đăng kiểm 6.200 tỷ đồng. Cùng với ngân sách Nhà nước cấp bổ sung là 3.500 tỷ đồng và nguồn chưa sử dụng năm 2015 gần 500 tỷ đồng.

Riêng quý I/2017, các chủ phương tiện ô tô đã nộp phí đạt hơn 1.634 tỷ đồng, đạt hơn 120% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng lý một Quỹ hoạt động hiệu quả như vậy thì người dân lại lấy làm mừng, nhưng thực tế lại không phải như vậy.

“Chúng tôi mua xe ô tô xong, làm các thủ tục đăng kiểm đã phải đóng luôn tiền cho Quỹ này. Đi trên các tuyến thì BOT dày đặc, đường xá nhiều nơi vẫn gồ ghề mà chẳng hề biết đồng tiền mình đóng nó đi đâu?”- anh Nguyễn Thanh Bình, Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ.

Người dân bức xúc vừa phải đóng phí bảo trì đường bộ, vừa đóng phí BOT - ảnh 1Chủ phương tiện ô tô cho rằng, họ đang phải chịu tình trạng "phí chồng phí". Ảnh minh họa: Nam Nguyễn

Trong khi đó, anh Phạm Minh Hiếu (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho biết, hàng năm anh phải đóng hơn 1,5 triệu đồng quỹ BTĐB cho chiếc xe Kia Morning 4 chỗ. “Tôi biết mục đích của Quỹ là để duy tu, bảo trì đường bộ, nhưng mỗi lần tôi về quê Nam Định vẫn phải đóng thêm tiền phí qua các trạm BOT. Như vậy là không công bằng nếu chúng tôi phải đóng 2 thứ phí cho duy tu, bảo trì đường xá”- anh Hiếu nói.

Hồi tháng 9/2017, ông Trương Quang Nghĩa, khi đó còn là Bộ trưởng Bộ Giao thông, vận tải, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ BTĐB Trung ương cho rằng, công tác bảo trì đường bộ đã có nhiều tiến bộ, so với thời điểm trước khi có Quỹ BTĐB đến nay, hàng nghìn km đường bộ được sửa chữa; hàng trăm cây cầu được rà soát và sửa chữa tăng cường…

Nguồn vốn của Quỹ tuy đã tăng lên và ổn định qua từng năm, nhưng vẫn còn thiếu so với nhu cầu (chỉ đáp ứng gần 50%) nên công tác bảo trì đường bộ vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Cùng với đó cơ chế chính sách thay đổi liên tục, không nhất quán, thậm chí không thành công (như đối với thu phí xe máy) đã làm giảm hiệu quả của Quỹ BTĐB.

Các loại phí còn cao hơn tiền xăng

Theo tính toán của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nếu tính tổng các mức phí mà một xe ô tô phải gánh tại Việt Nam là chiếm 10% trong tổng giá thành.

Cụ thể trên từng tuyến gần như Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Nam Định, Hà Nội – Thái Bình hoặc một số tuyến trong miền Nam từ TP HCM – Bình Dương, TP HCM – Long An, những cự ky ngắn thậm chí các loại phí còn chiếm trên 30% chi phí giá thành.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định: “Số tiền đóng phí lớn hơn tiền nhiên liệu”.

Ông tính toán: toàn tuyến Hà Nội – Hải Phòng là 100km, với xe tiêu chuẩn (4 chỗ) cần khoảng 10 lít xăng với giá khoảng 170.000 đồng, nhưng chiếc xe này đóng tới 190.000 đồng tiền phí các loại.

“Đó là xe con, còn xe hạng nặng, xe tải… phí này còn lớn hơn nhiều” – ông Thanh nói.

Cũng theo vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô, nhiều tuyến đường lại là độc đạo. Ví dụ tuyến Hà Nội – Thái Bình, các lái xe bắt buộc phải đi tuyến đó. Hay Quốc lộ 5 cũ và mới, tài xế đi đường nào cũng phải nộp phí.

“Những điều này khiến chủ ô tô thấy một điều, họ đang phải đóng phí chồng phí cho 1 tuyến đường đi. Và với Quỹ BTĐB, các tài xế đang bực với câu chuyện BOT, lại phải đóng thêm Quỹ BTĐB khiến họ bức xúc và có cảm giác phí chồng lên phí”- ông Thanh nói.

Về Quỹ BTĐB, ông Thanh cho hay, bản thân ông cũng là thành viên của Quỹ này, hàng quý Quỹ đều báo cáo về tình hình thu /chi.

“Phải xác định cho thật chuẩn xác, công khai, minh bạch để dân thật thoải mái. Tôi nhớ hồi ông Đinh La Thăng còn là Bộ trưởng Bộ Giao thông, vận tải, ông Thăng luôn nhắc nhở đây là tiền quỹ do người dân đóng góp cùng với ngân sách nhà nước nên phải đưa đúng vào việc bảo trì đường, đừng để đường xuống cấp”- ông Thanh cho biết.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Điện tử Tổ Quốc, ông Thanh cho biết thêm, với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội, ông đề nghị hiệp hội cơ sở thông tin các đoạn đường nào xuống cấp, hay nhà đầu tư nào sửa chữa đường chậm chạp, xuống cấp nhanh… để Hiệp hội báo với Quỹ BTĐB có giải pháp triển khai.

Báo Điện tử Tổ Quốc sẽ tiếp tục làm rõ hơn về vấn đề này./.

Thái Linh

  • Liên kết hội viên