Chuyển dự án BOT sang BT đang lâm vào thế bí


    Chuyển dự án BOT sang BT đang lâm vào thế bí - Ảnh 1.

    Quốc lộ 1 đoạn từ xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM đến giáp ranh tỉnh Long An thường xuyên bị kẹt xe - Ảnh: HỮU KHOA

    Từ chỉ đạo về dừng các dự án BOT (xây dựng, kinh doanh và chuyển giao) đường cũ, lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho biết sẽ chuyển hai dự án đầu tư BOT trên đường cũ sang dự án BT (xây dựng, chuyển giao) gồm dự án Quốc lộ 1 và Quốc lộ 22.

    Hai dự án BOT chuyển sang BT

    Theo Sở Giao thông - Vận tải, từ năm 2015 có nhiều doanh nghiệp đề xuất đầu tư BOT. Đến năm 2016 Thủ tướng giao UBND TP.HCM tổ chức kêu gọi đầu tư và triển khai dự án BOT Quốc lộ 22 dài 58,2km (đoạn qua TP.HCM dài 30,2km và đoạn tỉnh Tây Ninh dài 28km). 

    Mới đây, UBND TP.HCM đã giao Sở Giao thông - Vận tải nghiên cứu phương án đầu tư BT. Sở này cho biết sẽ đề nghị nhà đầu tư BOT Quốc lộ 1 (đoạn An Lạc đến ranh tỉnh Long An, huyện Bình Chánh) dài 8,2km chuyển sang hình thức BT. 

    Theo đó, nhà đầu tư sẽ xem xét khả năng hiệu quả của phương án đầu tư này để báo cáo UBND thành phố xem xét.

    Chuyển dự án BOT sang BT đang lâm vào thế bí - Ảnh 2.

    Đồ họa: VĨ CƯỜNG

    Như vậy, việc chuyển hình thức đầu tư từ BOT sang BT sẽ khiến dự án này sẽ tiếp tục chậm trễ, vì từ năm 2015 các nhà đầu tư đã bắt tay vào nghiên cứu lập dự án và cơ quan thẩm quyền mất gần 2 năm mới xác định dự án đầu tư theo hình thức BOT.

    Chuyển dự án BOT sang BT đang lâm vào thế bí - Ảnh 3.

    Đồ họa: VĨ CƯỜNG

    Đã khó, càng khó khăn hơn?

    Mới đây, Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDICO, đơn vị đề xuất đầu tư dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1, cho biết dự án đầu tư BOT Quốc lộ 1 có tổng mức đầu tư dự kiến là 2.221 tỉ đồng (bao gồm 1.200 tỉ đồng tiền giải phóng mặt bằng và 1.021 tỉ đồng vốn xây dựng), tăng gấp ba lần so với dự kiến ban đầu là 750 tỉ đồng. 

    Theo IDICO, nếu ngân sách TP.HCM lo chi trả tiền giải phóng mặt bằng và IDICO lo kinh phí đầu tư xây dựng thì thời gian thu phí từ năm 2020 đến 2040.

    Liệu có thể thực hiện dự án theo hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng ở hai bên Quốc lộ 1? 

    Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hồng Ninh, Giám đốc IDICO, cho biết phương thức BT "đổi đất lấy hạ tầng" càng khó thực hiện do giá đền bù giải tỏa nhà ở hai bên Quốc lộ 1 rất cao nên nhà đầu tư khó có khả năng hoàn vốn.

    Vậy liệu TP.HCM có nên chọn ba đoạn của tuyến đường mới vành đai 2 đầu tư BOT vì đây là các dự án làm đường mới hoàn toàn? 

    Ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng Kế hoạch Sở Giao thông - Vận tải, cho biết không thể thực hiện ba đoạn mới của đường Vành đai 2 mà nguyên do là đường này đã thu phí hai đoạn là An Sương - An Lạc và cầu Phú Mỹ. 

    Chính vì thế nếu tiếp tục đầu tư thêm 3 dự án BOT trên đường Vành đai 2 sẽ không bảo đảm về khoảng cách quy định.

    Theo ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, hiện nay các dự án PPP (đối tác công - tư, trong đó có BOT và BT)  đang bị trục trặc và có thể nói là đang "bí".

    Vì vậy ông Tám cho rằng nếu chỉ mỗi Sở Giao thông - Vận tải giải quyết khó khăn các dự án thì vẫn khó tìm lối ra cho các dự án đầu tư PPP vì việc thực hiện một dự án liên quan đến các sở, ngành cần giải quyết các vấn đề tài chính, đất đai… 

    Để triển khai các dự án, bên cạnh việc sử dụng nguồn vốn ngân sách, TP.HCM cũng kêu gọi thêm nguồn vốn đầu tư trong xã hội, trong đó phần lớn các dự án về giao thông có hai hình thức đầu tư là BOT và BT. 

    Thế nhưng không phải dự án nào cũng có thể thực hiện BOT và cũng bị hạn chế. 

    Trong trường hợp áp dụng hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng đòi hỏi phải có quỹ đất, mà quỹ đất đó phải có giá trị để nhà đầu tư có thể hoàn vốn.

    Do đó, để có thể thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, Sở Giao thông - Vận tải sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát các phương án tài chính đầu tư dự án, về quỹ đất, quy hoạch khu dân cư… 

    • Liên kết hội viên