Grab lỗ nhiều do khuyến mãi. Trong ảnh: tài xế Grab đón khách ở khu vực P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: N.C.T.
Như vậy, phần thắng đang tạm nghiêng về cơ quan thuế.
Grab lỗ lớn do quảng cáo khủng
Hoạt động kinh doanh ở Việt Nam từ tháng 2-2014, có vốn pháp định 20 tỉ đồng nhưng đến nay Grab đã lỗ lũy kế 938,2 tỉ đồng, tức gấp gần 47 lần vốn điều lệ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Duy Minh, Cục Phó cục Thuế TP.HCM, cho biết theo số liệu mà cơ quan thuế nắm được, trong giai đoạn mới đầu tư vào Việt Nam doanh nghiệp này đầu tư vào công nghệ và chi rất lớn cho hoạt động quảng cáo, khuyến mãi.
Theo đó, giá đi xe sau khi trừ khuyến mãi chỉ còn vài ngàn đồng, "rẻ như cho" nhằm mục đích để nhiều người tiêu dùng tham gia sử dụng dịch vụ nhằm mở rộng thị trường.
Với cả hai mảng, GrabBike và GrabCar đều áp dụng "chiêu" này, do vậy số lỗ của Grab không ngừng tăng lên sau các năm.
Theo ông Minh, năm 2014 là năm đầu tiên thâm nhập vào thị trường Việt Nam, công ty này lỗ 51 tỉ đồng.
Đến năm 2015 Grab lỗ 441 tỉ đồng, và sang 2016, tức sau 2 năm hoạt động, số lỗ vẫn ở mức khủng: 444 tỉ đồng.
Trong khi đó doanh thu của Grab trong ba năm (2014- 2016) là 1.755 tỉ đồng
Khác với Uber đóng thuế theo hình thức khoán, Grab nộp thuế theo kê khai do vậy nên khi doanh nghiệp này liên tục kê khai lỗ thì cơ quan thuế chưa thu được thuế thu nhập doanh nghiệp nào mà chỉ mới thu được tiền thuế VAT mà Grab nộp thay cho người tiêu dùng.
Theo ông Minh, vừa qua cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra việc chấp hành thuế của Grab trong 3 năm, từ 2014-2016.
Kết quả, doanh nghiệp này đã bị xử lý 2,961 tỉ đồng, trong đó tiền thuế bị truy thu là 2,286 tỉ đồng và đến nay Grab đã nộp đủ.
Uber: Trước hiểu sai tinh thần, nay sẽ tuân thủ
Không chỉ thanh tra thuế tại Grab, Cục Thuế TP.HCM còn thanh tra thuế tại Uber.
Đại diện Cục Thuế TP.HCM xác nhận thông tin Uber cam kết sẽ nộp khoản thuế 66,68 tỉ đồng, đồng thời cho biết sẽ đốc thúc Uber B.V thực hiện việc nộp số thuế truy thu vào ngân sách.
Theo đại diện Uber Việt Nam, công ty đại diện cho Uber B.V, sau khi nhận được Công văn số 11828/BTC-CST của Bộ Tài chính vào tháng 8 năm 2016, công ty này đã tiến hành để thực thi đúng nội dung công văn cung cấp.
Vị đại diện của Uber Việt Nam, khi trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nói rằng công ty "tin rằng Uber đã thực hiện nghĩa vụ thuế của mình và đối tác một cách đầy đủ và chính xác".
"Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã tích cực làm việc với Bộ Tài chính và các cơ quan thuế để làm rõ việc thực thi hướng dẫn của công văn. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Chính phủ Việt Nam và các cơ quan chức năng để tìm ra giải pháp phù hợp", vị này nói.
Trước đó, Uber B.V đã liên tục trì hoãn đóng số tiền truy thu này vì lý do chờ cuộc làm việc với Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính.
Một lý do nữa mà Uber cho rằng họ không phải nộp khoản thuế thu nhập doanh nghiệp bị truy thu là dựa trên cơ sở của Hiệp định chống đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Hà Lan.
Về thông tin Uber khẳng định sẽ nộp khoản thuế 66,68 tỉ đồng, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Cục Thuế cho biết việc này đúng với tinh thần mà Bộ Tài Chính đã công bố mới đây với báo chí.
Về phía Cục thuế TP.HCM, sau khi có văn bản thông báo kết quả làm việc chính thức của Bộ Tài Chính sẽ đốc thúc Uber B.V thực hiện việc nộp số thuế truy thu vào ngân sách.
Cơ quan này cũng đang soạn thảo báo cáo để trình UBND TP.HCM liên quan đến hoạt động của 4 doanh nghiệp là Vinasun, Mai Linh, Uber, Grab cũng như đánh giá lại việc thí điểm của taxi công nghệ trong thời gian qua.
Theo đó, hướng sắp tới cơ quan chức năng sẽ xem xét lại việc cho mở rộng với taxi công nghệ nhằm giảm bớt sức ép lên loại hình taxi truyền thống.
Cục thuế TP.HCM quyết định truy thu thuế của Uber với số tiền 66,68 tỉ đồng - Đồ họa: TTO