Đó là một trong những nội dung đề nghị của Sở GTVT TP.HCM gửi Tổng cục Đường bộ VN và một số chủ đầu tư về những quy định trong việc bán vé tháng của các trạm thu phí. Nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn khẳng định gặp nhiều khó khăn với không ít trạm BOT, thậm chí cho rằng bị đối xử "không sòng phẳng".
Xem xét lại thời hạn sử dụng vé tháng
Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ về những kiến nghị của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM quy định bán vé tháng của các trạm thu phí tại Bình Dương và Đồng Nai không phù hợp.
Trạm thu phí xa lộ Hà Nội (TP.HCM) bị nhiều doanh nghiệp phản ảnh bán vé tháng cứng nhắc.
ẢNH CÔNG TRUNG
Theo phản ánh của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM và rà soát thông tin, trạm thu phí quốc lộ 1K tại Bình Dương và Đồng Nai không bán vé tháng mà chỉ bán vé lượt.
Trong khi đó, theo khoản 1 điều 1 thông tư 35/2016 TT-BGTVT ngày 25-11-2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ tại các dự án đầu tư xây dựng đường bộ do Bộ GTVT quản lý, trong đó quy định:
"Tổng cục Đường bộ VN có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các đơn vị thu và báo cáo Bộ GTVT theo đúng quy định".
Do đó, Sở GTVT TP.HCM đề nghị Tổng cục Đường bộ VN yêu cầu chủ đầu tư trạm thu phí trên thực hiện bán vé tháng theo quy định.
Đồng thời, đơn vị này tiếp nhận phản ảnh và rà soát các trạm thu phí xa lộ Hà Nội (Q.9) và Phú Mỹ (Q.2) phát hành vé tháng có giá trị sử dụng từ ngày mua đến cuối tháng, riêng trạm thu phí Nguyễn Văn Linh (H.Bình Chánh) phát hành vé tháng có giá trị sử dụng đến ngày 5 tháng sau gây khó cho doanh nghiệp vận tải.
Sở GTVT cũng gửi văn bản đến Công ty ĐT Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Mỹ và Công ty TNHH Phú Mỹ Hưng, đề nghị các trạm thu phí trên linh hoạt xem xét việc phát hành thời hạn từ ngày có giá trị sử dụng đến ngày kết thúc theo thời hạn cụ thể ghi trên vé (thời hạn đến ngày của tháng sau) và đăng ký phát hành theo quy định.
Doanh nghiệp đề nghị cần sòng phẳng
Nhiều doanh nghiệp vận tải tại TP.HCM phản ảnh dù mua vé tháng nhưng nếu mua chậm, doanh nghiệp sẽ không được tính đủ 30 ngày mà cứ đến cuối tháng vé hết tác dụng khiến việc kinh doanh ngày càng gặp nhiều khó khăn.
Ông Lâm Đại Vinh, giám đốc Công ty TNHH vận tải Lâm Vinh, cho rằng dù các trạm thu phí luôn nói họ làm đúng quy định nhưng việc tính vé tháng như trên là quá máy móc, cứng nhắc, bởi hầu hết doanh nghiệp vận tải chưa xác định được hợp đồng là chưa dám mua vé.
Theo ông Vinh, hiện có trạm thu phí lúc trước cũng giới hạn hiệu lực vé tới cuối tháng nhưng nay đã cho phép doanh nghiệp được tính tròn tháng kể từ ngày mua. Tại sao các trạm thu phí khác, như tại TP.HCM, lại không áp dụng để doanh nghiệp bớt khổ.
Ông Nguyễn Văn Chánh, phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho rằng các chủ đầu tư BOT cần phải sòng phẳng với khách hàng, cả với các doanh nghiệp vận tải và người đi đường. Ông Chánh đặt vấn đề tại sao bên đầu tư được đưa ra mức phí, có thời gian thu hồi vốn, trong khi đó người đi đường thì không được chọn lựa về thời gian sử dụng vé?
Việc chỉ bán vé tháng có mấy ngày, hay vé chỉ có hiệu lực đến hết tháng chứ không tính đủ 30 ngày, theo ông Chánh, là không sòng phẳng, theo hướng đôi bên cùng có lợi.
"Khách hàng mua ngày thứ 10 thì chỉ thu tiền 20 ngày, còn lại để doanh nghiệp bớt chi phí với các ngày không hoạt động" - ông Chánh đề nghị.
Theo Báo Tuổi Trẻ