Doanh nghiệp vận tải Bình Dương kêu than vì cửa ải "đăng kiểm", nguy cơ vi phạm hợp đồng vận chuyển

Khủng hoảng đăng kiểm khiến các doanh nghiệp vận tải “ngồi trên đống lửa”, chồng chất khó khăn khi phương tiện đến hạn đăng kiểm nhưng không đăng kiểm được, có nguy cơ vi phạm hợp đồng vận chuyển, sản xuất đình trệ, còn người lao động đứng trước nguy cơ phải nghỉ việc do xe nằm nhà. 


Vấn đề đăng kiểm đang là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp vận tải tại Bình Dương nói riêng cũng như trên cả nước nói chung. Trung bình mỗi tháng có hàng trăm phương tiện đăng kiểm để đảm bảo tiến độ vận chuyển. Đặc biệt, giai đoạn tháng 3 - 4 cũng là dịp nhu cầu vận chuyển tăng lên, nếu phương tiện không kịp đăng kiểm, không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện hợp đồng, mà ảnh hưởng cả đến công ăn việc làm của đội ngũ lái xe, bởi định phí cho mỗi xe không hoạt động khoảng 1 triệu đồng/1 ngày, trong khi đăng kiểm được 1 xe mất từ 3 đến 7 ngày.

 

 

 Trưa tháng Tư nắng gay gắt, xe nối đuôi thành hàng dài chờ đến lượt đăng kiểm

 

 Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp ra sức nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải những vấn đề đăng kiểm bất cập trên đã khiến doanh nghiệp phát sinh nhiều chi phí như sửa chữa xe, chi phí ăn ở cho tài xế. Nghiêm trọng hơn, nhiều doanh nghiệp còn đứng trước nguy cơ bị phạt hợp đồng do thiếu phương tiện vận chuyển.


Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Bình Dương cũng cho biết, qua phản ánh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nếu hoạt động đăng kiểm vẫn ách tắc trong thời gian tới thì các phương tiện không thể lưu hành, làm đình trệ chuỗi cung ứng, từ đó khiến chi phí vận hành doanh nghiệp tăng mạnh, nguy cơ lỗ nặng giữa “bão” đăng kiểm và ảnh hưởng đến công ăn việc làm, sinh kế của người lao động.


Đứng trước tình hình khó khăn trên, Hiệp hội Vận tải Bình Dương đã có kiến nghị “nóng” với các cơ quan chức năng về vấn đề khủng hoảng đăng kiểm đang ngày càng lan rộng 


“Trong bối cảnh các ngành đang đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ 4.0 để giải quyết các khó khăn khi đăng kiểm, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và người dân, việc triển khai trang web, ứng dụng đăng ký lịch đăng kiểm và tạo trang map trực quan địa điểm đăng kiểm real-time sẽ giúp tối ưu hóa quá trình đăng kiểm cho các lái xe. Hơn nữa,  để các doanh nghiệp vận tải sẽ không phải lo lắng về việc vi phạm hợp đồng và đảm bảo tiến độ vận chuyển hàng hóa, Hiệp hội đã kiến nghị cơ quan chức năng gia hạn thêm 3-6 tháng cho các xe đã đến hạn sẽ là giải pháp hỗ trợ đáng chú ý cho doanh nghiệp vận tải.”, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết.


Hiệp hội Vận tải Bình Dương còn kiến nghị cần bố trí khu vực dành riêng cho các xe đã khắc phục khiếm khuyết, hư hỏng quay lại đăng kiểm để tiết kiệm thời gian và xem xét bố trí thêm các thiết bị hỗ trợ tại khu vực đăng kiểm để khắc phục các lỗi nhỏ ví dụ như áp suất lốp, trường hợp xe đạt hết các tiêu chí chỉ còn thiếu áp suất lốp, nếu xe phải quay ra ngoài để bơm, sau đó quay lại xếp hàng rất mất thời gian. 


Mặt khác, cơ quan chức năng cần thông báo các hạng mục khiếm khuyết, hư hỏng cần khắc phục 01 lần, tránh trường hợp doanh nghiệp quay lại khi đã khắc phục khiếm khuyết cũ lại phát sinh ra thêm khiếm khuyết mới, doanh nghiệp phải đi tới lui, hẹn lịch, xếp hàng chờ vào đăng kiểm lại rất mất thời gian.

 

Nhiều trung tâm đăng kiểm trên địa bàn tỉnh Bình Dương tạm ngưng hoạt động

 

Trong khi đó, thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, trên cả nước đã có 62 trung tâm đăng kiểm đóng cửa. Đặc biệt tại Bình Dương hiện có 12 trung tâm đăng kiểm, trong đó có 3 trung tâm do Nhà nước quản lý (61.01S, 61.02S, 61.03S) và 9 trung tâm do tư nhân quản lý. 


Tuy nhiên, trong số 9 trung tâm tư nhân đó, có 4 trung tâm (61.06D, 61.08D, 61.09D và 61.11D) đã ngừng hoạt động. Vì vậy, hiện nay chỉ còn 8 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động với tổng cộng 14/25 dây chuyền kiểm định. 


Cục Đăng kiểm dự báo, tình trạng ùn tắc có thể nghiêm trọng hơn khi nhu cầu kiểm định xe các tỉnh thành trong tháng 4 tăng cao.



  • Liên kết hội viên