Taxi muốn cạnh tranh công bằng với Uber, Grab

Đại diện các doanh nghiệp kinh doanh taxi cho rằng cơ quan quản lý cần áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm tạo điều kiện cạnh tranh công bằng giữa họ và các doanh nghiệp kinh doanh các ứng dụng gọi xe như Uber và Grab.

Phát biểu tại buổi tọa đàm với chủ đề “Taxi truyền thống chấp nhận cạnh tranh cùng Uber, Grab” do báo Pháp luật TPHCM tổ chức sáng 11-4, ông Phạm Minh Sương, Phó tổng giám đốc Công ty taxi Mai Linh đề xuất cần phải đưa các ứng dụng gọi xe như Uber, Grab vào diện quản lý như taxi. Chỉ có như vậy mới tạo điều kiện cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh taxi và Uber, Grab.

Theo ông Sương, hiện nay, nếu các hãng taxi muốn thay đổi giá cước phải làm thủ tục thông báo với cơ quan quản lý nhà nước, rồi phải tiến hành điều chỉnh giá cước trên đồng hồ tính cước, kiểm định lại đồng hồ tính cước… Ông cho rằng có quá nhiều thủ tục mà các hãng taxi truyền thống phải thực hiện, trong khi các doanh nghiệp kinh doanh ứng dụng Uber, Grab có thể thay đổi giá cước nhiều lần trong ngày.

Còn ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc Công ty taxi Vinasun nói, Uber cũng như Grab đang có ý định “triệt tiêu” các công ty taxi, chiếm toàn bộ thị trường kinh doanh vận tải hành khách từ tay các hãng taxi truyền thống. Các ứng dụng gọi xe này đang khiến cho các doanh nghiệp kinh doanh taxi trong nước gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc phải thu hẹp số lượng xe, lái xe bỏ việc…

Ông Quý cho rằng các hãng taxi truyền thống chấp nhận cạnh tranh nhưng phải có sự bình đẳng, tức là Uber, Grab cũng phải chịu sự quản lý của nhà nước về số lượng đầu xe, đăng ký giá cước, quản lý giá cước… giống như taxi truyền thống.

Ông Nguyễn Ngọc Giao, Phó phòng Quản lý vận tải thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM nhận xét, hoạt động của hình thức xe hợp đồng đón khách kiểu như Uber, Grab đang phá vỡ quy hoạch chung về taxi của thành phố. Số lượng xe hợp đồng được Sở GTVT cấp phù hiệu đã vượt gấp hai lần so với quy hoạch taxi (11.000 xe). Nếu như vào tháng 8-2016 chỉ có hơn 9.400 xe đăng ký phù hiệu hợp đồng thì tới tháng 2-2017 đã vượt 21.000 xe (xe dưới 9 chỗ ngồi).

Ông Giao nói, lẽ ra các ứng dụng gọi xe cần phải cung cấp phần mềm kết nối cho các đơn vị kinh doanh vận tải để họ tự điều hành xe và tài xế; chứ không phải như hiện nay các xe tham gia Uber, Grab đang bị điều phối bởi ứng dụng Uber, Grab (điều xe, giá cước…).

Sắp tới khi sơ kết hai năm hoạt động Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (xe hợp đồng điện tử), Sở GTVT TPHCM sẽ kiến nghị quy hoạch xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi. Đồng thời, phải thực hiện biện pháp “nhận dạng” (gắn bảng đèn giống taxi, logo nhận diện thương hiệu…) các loại xe đang kinh doanh vận tải hành khách bằng cách tham gia hệ thống ứng dụng Uber, Grab.

Trước đây, TPHCM đã chủ trương khống chế số lượng taxi (dừng lại ở mức 11.000 xe vào cuối năm 2016) do thành phố đang bị quá tải về hạ tầng, thiếu bãi đậu xe, đường sá chật hẹp, thường bị ùn tắc giao thông… Nay, nếu cho phép thí điểm xe hợp đồng điện tử với sự tham gia của Uber, Grab; đồng nghĩa với việc số lượng xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi tăng lên sẽ dẫn tới việc phá vỡ quy hoạch taxi.

Theo Chí Thịnh (TBKTSG Online) 

  

  • Liên kết hội viên