Tính đến giữa tháng 5-2017, sau khi quyết toán, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã giảm thời gian thu phí của 13 dự án BOT đường bộ, với tổng cộng thời gian giảm được là 92 năm 3 tháng.
Theo thông tin từ Ban Quản lý Đầu tư các dự án đối tác công - tư (PPP - Bộ GTVT), hiện đã có 13 dự án BOT đường bộ được điều chỉnh giảm thời gian thu phí. Trong số các dự án giảm thời gian thu phí, dự án quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Thanh Hóa là dự án giảm thời gian thu phí nhiều nhất với 20 năm 1 tháng.
Dự án này có tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu là 822 tỉ đồng, thời gian thu phí theo hợp đồng BOT là 27 năm 8 tháng. Sau khi hoàn thành quyết toán 100%, giá trị quyết toán là 718 tỉ đồng, thời gian thu phí giảm xuống chỉ còn 7 năm 7 tháng.
Một số dự án cũng có mức giảm thời gian thu phí khá lớn như dự án quốc lộ 10 đoạn từ cầu Tân Đệ đến cầu La Uyên (Thái Bình) giảm 9 năm 6 tháng; dự án cầu Đồng Nai mới và tuyến 2 đầu cầu giảm 8 năm 7 tháng; dự án cầu Cổ Chiên trên quốc lộ 60 nối 2 tỉnh Trà Vinh và Bến Tre giảm thời gian thu phí 6 năm 1 tháng…
Dự án có thời gian thu phí giảm thấp nhất là dự án xây dựng quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), giảm từ 13 năm 1 tháng xuống còn 12 năm 9 tháng (giảm 4 tháng).
Có 4 dự án phải kéo dài thời gian thu phí với tổng số là 24 năm 5 tháng.
Trong đó, dự án cầu Mỹ Lợi trên quốc lộ 50 kéo dài thời gian thu phí từ 28 năm 4 tháng lên 44 năm 6 tháng (tăng 16 năm 2 tháng); dự án cầu Yên Lệnh, quốc lộ 38 kéo dài từ 17 năm 1 tháng lên 21 năm 4 tháng (tăng 4 năm 3 tháng); dự án quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long từ 16 năm 4 tháng lên 19 năm 4 tháng (kéo dài thêm 3 năm); dự án quốc lộ 1 đoạn Nam Bến Thủy - thành phố Hà Tĩnh tăng từ 20 năm 5 tháng lên 21 năm 5 tháng.
Nguyên nhân của 4 dự án trên phải kéo dài thời gian thu phí là do lưu lượng xe sụt giảm so với dự báo khi làm dự án. Đồng thời, doanh thu thực tế thấp hơn nhiều so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT. Vì thế, Bộ GTVT cho kéo dài thời gian thu phí. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác tùy thuộc hợp đồng dự án, Bộ GTVT sẽ tiến hành rà soát lại doanh thu, lưu lượng xe thực tế làm căn cứ để điều chỉnh từng hợp đồng BOT.
Theo Bộ GTVT, thời gian thu phí ban đầu trong hợp đồng BOT chỉ là thời gian dự kiến, còn thời gian thu phí chính thức phải được xác định lại theo giá trị quyết toán công trình và lưu lượng xe thực tế khi dự án đi vào khai thác. Chính vì vậy, sau khi quyết toán xong nhiều dự án đã giảm thời gian thu phí.
Trước đó, Kiểm toán Nhà nước sau khi kiểm toán 27 dự án BOT đã phát hiện nhiều sai sót khiến thời gian thu phí kéo dài. Sau đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ GTVT rút ngắn thời gian thu phí các dự án với tổng cộng gần 100 năm thu phí.
Lê Anh (TBKTSG Online)